Lượt xem: 1109

Cây mía có đầu ra ổn định nhờ hợp đồng liên kết tiêu thụ

Huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng được biết đến là “thủ phủ” của cây mía đường, vì hàng chục năm qua hầu hết bà con nông dân trên địa bàn huyện đều gắn bó với nghề trồng mía. Thời gian từ năm 2010 - 2018, diện tích mía tại các địa phương trên địa bàn huyện Cù Lao Dung ngày càng giảm, do giá mía giảm sâu, hộ canh tác mía không có lợi nhuận nên bà con đã chuyển diện tích trồng mía sang trồng cây ăn trái, rau màu. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, bà con nông dân hiếm khi chuyển đổi diện tích trồng mía sang trồng các loại cây trồng khác, bởi cây mía đã được công ty bao tiêu đầu ra và giá bán mía đường rất tốt, đảm bảo cho hộ canh tác mía có lợi nhuận cao sau thu hoạch nên bà con nông dân rất yên tâm trong việc duy trì trồng cây mía.

 


Trong vài năm trở lại đây cây mía đường của bà con nông dân trên địa bàn huyện Cù Lao Dung, được Công ty Mía đường Sóc Trăng ký kết hợp đồng liên kết bao tiêu đầu ra sau thu hoạch. Ảnh: Thúy Liễu

 

    Hơn 20 năm qua, bà Trương Hồng Phượng, ấp Đoàn Văn Tố A, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung có diện tích trồng mía 6 ha. Mặc dù cây mía có thời gian dài giá giảm sâu, nhưng bà vẫn duy trì phần lớn diện tích trồng mía cho đến thời điểm hiện tại. Bà Hồng Phượng cho biết: “Trước đây, tôi có diện tích trồng mía chuyên canh lên đến 9 ha, một thời gian dài cây mía đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho gia đình, dù không dư dả nhiều nhưng đủ chi xài trong gia đình quanh năm. Trong các năm từ 2015 - 2018, giá mía giảm liên tục, nhiều nhà máy thu mua mía đóng cửa nên tôi đã quyết định chuyển đổi 3 ha đất trồng mía sang trồng dừa, nhằm giảm áp lực sản lượng mía sau thu hoạch tại hộ, đặc biệt là giảm thua lỗ trong mùa vụ canh tác mía. Thời điểm trồng mía, mía sau thu hoạch được bán ở nhiều nhà máy ngoài tỉnh, nhằm thu về lợi nhuận cho mùa vụ tốt hơn, nhưng khi giá mía giảm thì lợi nhuận thu về sau mùa vụ trồng mía hầu như không có, thậm chí còn bị thua lỗ. Tuy nhiên, kể từ năm 2019 đến nay, gia đình tôi rất phấn khởi vì được Công ty Mía đường Sóc Trăng ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ mía sau thu hoạch”.

    “Bên cạnh ký kết hợp đồng bao tiêu mía đầu ra, nhà máy còn hỗ trợ tiền vốn không tính lãi cho hộ dân trồng mía để đầu tư mua giống mía, vật tư nông nghiệp, kể cả thuê mướn nhân công lao động. Tiền được nhà máy hỗ trợ đến thu hoạch mía mới trả lại, do đó hộ canh tác mía không còn lo lắng thiếu vốn khi tái mùa vụ trồng mía. Vụ mía năm 2022, tôi mới thu hoạch vào tháng 2/2023, tổng sản lượng mía thu về hơn 660 tấn/6 ha; giá bán mía tại ruộng là 1.150 đồng/kg, trừ chi phí tôi lợi nhuận hơn 350 triệu đồng. Tới đây, tôi vẫn sẽ duy trì diện tích trồng mía 6 ha của gia đình, vì đầu ra cây mía đã rất tốt” - bà Hồng Phượng chia sẻ thêm.

    Ông Trương Văn Bảnh, ấp Đoàn Văn Tố A, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung cho biết: “Tôi có tổng diện tích trồng mía đường là 1,3 ha, mía được canh tác trên 20 năm. Năm 2013 mía bị thất mùa, kèm theo giá bán mía nguyên liệu cao nên tôi quyết định chuyển 0,3 ha đất trồng mía sang đào ao nuôi tôm. Tuy nhiên, tôm nuôi thường xuyên bị ảnh hưởng dịch bệnh nên thiệt hại liên tục, tôi lại tiến hành lắp ao nuôi tôm để trồng mía. Mùa vụ mía hằng năm tôi xuống giống vào tháng 2 Âm lịch năm trước và đến tháng 2 Âm lịch năm sau sẽ thu hoạch. So với một số loại cây trồng khác, thì cây mía nhẹ công chăm sóc, trong suốt 1 năm canh tác, hộ trồng mía chỉ cần bón phân 4 lần/6 tháng đầu đời của cây, sau 6 tháng mía không cần bón phân; thuận lợi của việc trồng mía đường hiện nay là giống mía tốt nên hộ dân chỉ trồng 1 vụ, còn các vụ tiếp theo không phải trồng lại, vì gốc mía tự phát triển thành mía thương phẩm cho các vụ sau. Theo tính toán, chi phí đầu tư 1 ha mía đến thu hoạch khoảng 25 triệu đồng (nếu mía sau thu hoạch chừa lại gốc để phát triển vụ mía mới); còn mía trồng mới, chi phí đầu tư 1 vụ hơn 80 triệu đồng/1 ha. Với diện tích trồng mía 1,3 ha, năm 2020 tôi được Công ty Mía đường Sóc Trăng ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ mía đầu ra.

    Tính riêng vụ mía năm 2022, với diện tích trồng mía 1,3 ha, tôi thu về hơn 100 tấn mía và được nhà máy bao tiêu, thu mua với giá 1.260 đồng/kg (tại nhà máy), trừ chi phí lợi nhuận thu về hơn 50 triệu đồng. Lợi nhuận trên tất cả nhờ vào khâu liên kết tiêu thụ của nhà máy và hỗ trợ vốn cho gia đình tôi không tính lãi. Nhờ đó, tôi mạnh dạn đầu tư cho ruộng mía nên năng suất mía tăng theo từng năm”.

    Ông Huỳnh Trung Kiên, ấp Đoàn Văn Tố A, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung thông tin, lợi ích trong khâu liên kết tiêu thụ đầu ra cho cây mía đường mà bà con trồng mía được hưởng, đó là giá mía luôn được công ty đảm bảo giá sàn khi ký kết hợp đồng trước đó. Nếu giá mía đã được ký hợp đồng là 1.150 đồng/kg nhưng giá mía trên thị trường tăng, công ty sẽ mua giá tăng lên, ngược lại giá mía thấp hơn so với giá đã ký hợp đồng trước đó thì công ty vẫn giữ nguyên giá mua trong hợp đồng, nhằm đảm bảo quyền lợi và lợi nhuận cho người trồng mía. Bên cạnh đó, công ty còn cho mượn vốn không tính lãi suất trong suốt mùa vụ, đến khi thu hoạch mía bán, thì công ty sẽ trừ số tiền nông dân đã mượn trước đó. Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã ký kết hợp đồng bán mía cho Công ty Mía đường Sóc Trăng được 5 năm qua. Vụ mía năm 2022, với diện tích trồng mía là 1 ha, cho sản lượng mía sau thu hoạch là 115 tấn, giá bán mía tại công ty là 1.260 đồng/kg, trừ chi phí tôi có số tiền lợi nhuận hơn 50 triệu đồng.

    Đồng chí Nguyễn Văn Đắc - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Trước đây, diện tích mía trên địa bàn huyện Cù Lao Dung lên đến 8.600 ha, nhưng do giá mía giảm sâu nên ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của bà con nông dân; do đó, huyện đã tuyên truyền, vận động bà con chuyển một phần diện tích đất mía kém hiệu quả kinh tế, sang trồng cây ăn trái hay các loại rau màu cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện tại, diện tích mía trên địa bàn huyện là 2.700 ha và diện tích trên duy trì, giữ vững ổn định từ năm 2016 đến nay. Năm 2018, có hơn 50% diện tích mía trên địa bàn huyện đã được Công ty Mía đường Sóc Trăng ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra nên bà con rất an tâm sản xuất; cùng với đó, giá bao tiêu luôn đem về lợi nhuận tốt cho bà con trồng mía. Chính vì vậy, bà con mạnh dạn đầu tư chăm sóc ruộng mía nên năng suất mía cao hơn so với những năm trước đây từ 20 - 40 tấn/1 ha. Hiện tại, huyện đã thành lập 1 hợp tác xã mía nhằm làm đầu mối liên kết và ký kết hợp đồng tiêu thụ mía nguyên liệu với công ty; đồng thời, huyện sẽ giữ vững vùng nguyên liệu trồng mía tại các địa phương trên địa bàn huyện, để cung cấp nguồn nguyên liệu mía cho công ty chế biến, đặc biệt là tạo đầu ra ổn định và bền vững cho hộ canh tác mía”.

Thúy Liễu



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 82
  • Hôm nay: 63
  • Trong tuần: 70,490
  • Tất cả: 11,802,497